Trang chủ Du lịch Cù lao An Giang xuất hiện tour du lịch bè cá hô

Cù lao An Giang xuất hiện tour du lịch bè cá hô

bởi Linh

Trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh An Giang là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng về nuôi cá nước ngọt. Đặc biệt, vùng đất cù lao Mỹ Hòa Hưng, được bao bọc bởi dòng sông Hậu, đã trở thành một trong những khu vực nuôi cá nước ngọt lớn nhất tỉnh với hơn 800 lồng, bè, vèo. Tại đây, các hộ dân chủ yếu nuôi các loại cá như điêu hồng, lóc, chim trắng… Tuy nhiên, một số ít hộ thả nuôi cá hô, nhưng chủ yếu trong ao hầm, hiếm ai nuôi cá hô trong bè do hiệu quả kinh tế chưa cao.

Thế nhưng, ông Huỳnh Tấn Hải, ngụ ấp Mỹ Khánh 1, lại là một trong số ít những người nuôi cá hô trong bè. Với hơn 200 con cá hô, bè cá của ông Hải đã trở thành một điểm đến thú vị cho những du khách muốn khám phá. Cá hô là loài cá nước ngọt hiền lành nhưng có kích thước khổng lồ, có con nặng hơn 200kg. Trước kia, chúng xuất hiện nhiều trên các dòng sông Hậu, sông Tiền, sông Vàm Nao, sông Châu Đốc trên địa phận tỉnh An Giang. Tuy nhiên, do việc săn bắt không kiểm soát, cá hô cạn kiệt dần và đối diện nguy cơ biến mất.

Để bảo tồn loài cá quý hiếm này, các nhà khoa học đã ương ép thành công cá hô nhân tạo. Sau đó, cá giống được các hộ nuôi thủy sản trong nước đến tìm mua về nuôi làm kinh tế. Ông Hải cho biết, ông đã nuôi cá ngọt hơn 15 năm và đã mua cá hô giống về nuôi với hơn 1.000 con từ Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản Nam Bộ. Sau thời gian nuôi, ông gạn lại bầy cá đưa ra bè cá những con cá khỏe, có trọng lượng hơn 1 ký nuôi thử nghiệm.

Bầy cá hô của ông Hải có con trọng lượng hơn 8 ký, có con hơn 30 ký. Ban đầu ông tính bán nhưng suy nghĩ lại nên giữ bầy cá hơn 200 con nuôi trong bè xem như thú vui nuôi cá cảnh. Các cán bộ Hội Nông dân xã Mỹ Hòa Hưng cho biết, gần đây vùng đất cù lao phát triển du lịch thu hút du khách đến tham quan Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, trải nghiệm đời sống miệt vườn và vùng sông nước…

Qua tham khảo các điểm du lịch cho thấy, ít có nơi nào ở đồng bằng sông Cửu Long nuôi được bầy cá hô bè hơn 200 con như hộ ông Hải. Nếu đầu tư khai thác du lịch tham quan cá hô nuôi bè sẽ là nơi thú vị cuốn hút sự quan tâm. Chẳng hạn như bày biện lại không gian bè cá cho gọn gàng đẹp hơn, bắc cầu cho du khách đi ra bè dễ dàng. Khi đó bán vé cho du khách tham quan cá hô, mua mồi cho cá ăn chắc chắn sẽ thu hút sự hiếu kỳ của du khách.

Bầy cá dạn dĩ nên không trốn lặn sâu khi khách cho ăn mồi. Và qua đó, cũng giúp cho các bạn trẻ tiếp cận được với loài cá quý, biết thêm hơn nữa về loài cá khổng lồ của vùng sông nước mênh mông. Mới đây, có đoàn du khách nước ngoài đến tham quan vùng cù lao và họ đã đưa du khách đến tham quan bè cá hô. Đoàn khách rất thích thú cho cá ăn mồi và ghi hình lại bầy cá hô.

Mỹ Hòa Hưng mới đây có mô hình tham quan bè cá của ông Mười Thuận- tức Nguyễn Văn Thuận là hộ nuôi cá nước ngọt lâu đời. Đây là mô hình mới do ông Thuận hợp tác với Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch Mỹ Hòa Hưng. Ông Thuận có 10 bè cá, trên các bè ông Thuận khéo léo bày trí các chậu cây kiểng, trồng cây thủy sinh trong chậu như cây điên điển nên nhìn bè cá như căn nhà nổi trên sông rất thơ mộng.

Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch Mỹ Hòa Hưng phát triển kết hợp đưa du khách đi tàu tham quan sông nước, cảnh quan vùng đất cù lao và điểm cuối là đến bè cá ông Thuận trải nghiệm nghề nuôi cá nước ngọt. Và như vậy, nếu đầu tư đúng mức, bè cá hô có thể là một điểm liên kết trở thành một điểm du lịch độc đáo mới của tỉnh. Và từ đó, cũng có thể nhiều hộ nuôi trồng thủy sản quan tâm hơn đến việc nuôi bảo tồn các loài cá quý hiếm.

Có thể bạn quan tâm